Kinh tế Sibu,_Sarawak

Cảng vụ Rajang và hạ tầng cảng.

Trong thời gian đầu, người Hoa Phúc Châu định cư tại Sibu nỗ lực biến thị trấn thành một trung tâm trồng lúa. Tuy nhiên, tầm nhìn này không trở thành hiện thực do đất không phù hợp để trồng lúa. Vào tháng 8 năm 1909, Charles Brooke chấp thuận cấp quyền sở hữu đất cho các nông dân người Hoa tại Sibu và khuyến khích họ trồng các đồn điền cao su. Giá cao su tăng lên từ năm 1909 đến năm 1911 đã khuyến khích thêm 2.000 di dân Phúc Châu đến Sibu. Nhu cầu cao su lại gia tăng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và có lợi cho các đồn điền cao su tại Sibu. Các nông dân địa phương sau đó sử dụng lợi nhuận từ các đồn điền cao su để mở cửa hàng tại các chợ Sungai Merah và Durin và tham gia vào ngành khai thác gỗ có lợi nhuận cao hơn. Trong Nổi dậy cộng sản Sarawak trong thập niên 1970, các nông dân nông thôn đã bỏ các đồn điền cao su của mình do thiết quân luật của chính phủ cấp bang nhằm ngăn cấm họ giúp đỡ những người cộng sản hoạt động trong rừng rậm.[105]

Ngành khai thác gỗ tại Sibu thịnh vượng trong thập niên 1940 và 1950[24] và tầm quan trọng kinh tế của nó vượt qua các đồn điền cao su trong thập niên 1960.[105] Một số tập đoàn gỗ toàn cầu như Rimbunan Hijau Group, Ta Ann Holdings Berhad, Sanyan Group, WTK, The Sarawak Company, và Asia Plywood Company đặt trụ sở của mình tại Sibu. Chế biến và xuất khẩu gỗ trở thành động lực kinh tế chính tại Sibu.[109][110] Ngành gỗ tại Sibu phát triển nhờ các khoản vay từ các ngân hàng người Hoa đầu tiên tại Sibu như Wah Tat Bank (1929), Hock Hua Bank (1952), và Kong Ming Bank (1965). Sau khi chính phủ liên bang Malaysia đưa ra "Đạo luật các tổ chức ngân hàng và tài chính 1989" (BAFIA), Kong Ming Bank rơi vào tay EON Bank trong năm 1992, tiếp đến là hợp nhất Wah Tat Bank với Hong Leong Bank và hợp nhất Hock Hua Bank với Public Bank Berhad trong năm 2000.[111] Năm 1958, HSBC bắt đầu hoạt động ngân hàng tại Kuching, đến Sibu vào năm 1959.[112] Ngân hàng này chịu trách nhiệm hỗ trợ một số tập đoàn gỗ tại Sibu như WTK và Ta Ann Holdings Berhad.[113] Trong tháng 11 năm 2013, HSBC quyết định đóng cửa toàn bộ lĩnh vực ngân hàng thương mại của họ tại Sarawak sau khi ngân hàng này bị cáo buộc hỗ trợ các hoạt động khai thác gỗ không bền vững tại Sarawak.[114][115][116]

Ngành đóng tàu tại Sibu bắt đầu trong thập niên 1930 nhằm cung cấp tàu gỗ qua lại trên sông và ven biển. Ngành này hưng thịnh trong thập niên 1970 và 1980 cùng với gia tăng xuất khẩu gỗ nhiệt đới từ Sarawak. Sau đó ngành này chuyển trọng tâm sang đóng tàu sắt.[117] Một số loại tàu có nhu cầu là tàu kéo để lai dắt gỗ, xà lan để chở gỗ, tàu thả neo, tàu dịch vụ xa bờ (OSV), phà, và tàu cao tốc để chở khách. Hầu hết các tàu có kích cỡ nhỏ và vừa. Tổng cộng có 40 xưởng đóng tàu tại Sibu. Đa số công nhân là các thợ hàn.[118] Năm 2003, 17 xưởng đóng tàu chuyển đến Khu công nghiệp Đóng tàu Tích hợp Rantau Panjang tại Sibu.[119] Các tàu đóng tại Sibu thường được xuất khẩu đến bang Sabah láng giềng, Malaysia Bán đảo, Singapore, Indonesia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.[120] Trong năm 1991, ngành đóng tàu tại Sibu kiếm được tổng cộng 50 triệu USD.[117] Năm 2011, Sibu xuất khẩu tàu với tổng giá trị 525 triệu ringgit.[120] Sibu cũng là thành thị duy nhất tại Sarawak có một nhà máy lắp ráp ô tô.[121] Nhà máy này do N.B. Heavy Industries Sdn. Bhd. điều hành và lắp ráp các xe thương mại Ankai, BeiBen, Golden Dragon, Huanghai Bus và JAC kể từ năm 2010.[122] Sibu có hai khu công nghiệp: Khu công nghiệp Upper Lanang (công nghiệp nhẹ hỗn hợp) và Khu công nghiệp Đóng tàu Rantau Panjang.[123]

Sibu có hai cảng sông là cảng Sibu và cảng Sungai Merah, lần lượt nằm cách cửa sông Rajang 113 km và 116 km. Cảng Sibu có trọng tải đăng ký toàn phần (GRT) tối đa là 10.000 tấn còn cảng Sungai Merah có GRT tối đa là 2.500 tấn. Cảng Sibu chủ yếu được sử dụng để xử lý lâm sản và nông sản còn cảng Sungai Merah chủ yếu được sử dụng để xử lý dầu nhiên liệu. Cảng vụ Rajang (RPA) nằm tại trung tâm điều hành cảng Sibu.[124] RPA có tổng doanh thu 30,1 triệu ringgit trong năm tài chính 2012.[125]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sibu,_Sarawak ftp://ftp.atdd.noaa.gov/pub/GCOS/WMO-Normals/TABLE... http://catalogue.nla.gov.au/Record/1070722 http://trove.nla.gov.au/work/23851222?selectedvers... http://www.bozhou.gov.cn/content/detail/52933276ac... http://www.fjfao.gov.cn/yhxh/201006/t20100630_5154... http://tzb.fuzhou.gov.cn/gzdt/201103/t20110321_416... http://tzb.fuzhou.gov.cn/tpxw/201103/t20110315_415... http://www.fuzhou.gov.cn/zfb/xxgk/zjrc/yhwl/gjyhcs... http://www.gutian.gov.cn/gtzfw/xxgk/bmdt/webinfo/2... http://www.xingtai.gov.cn/gkgl/jrxt/xtgk/qhx/20130...